Tại Lemon Montessori Class, chương trình học tập của các bạn nhỏ độ tuổi 0-3 được xây dựng dựa trên phương pháp Montessori nguyên bản kết hợp với chương trình song ngữ tiếng Anh. Sĩ số ít (12 bạn/03 cô) có điều kiện để các cô theo sát, hỗ trợ các con hoàn thiện các kỹ năng tự chăm sóc bản thân, để chuẩn bị cho giai đoạn học tập phía trước.
Theo Maria Montessori, các em bé ở giai đoạn 0-3 là giai đoạn của phôi thai tinh thần, là giai đoạn mà sự nhập thể diễn ra trong bé. Bà cũng khám phá ra rằng trẻ ở giai đoạn này có trí tuệ thẩm thấu vô thức, có thời kỳ nhạy cảm về: Vận động tinh, vận động thô, giác quan, tính trật tự, đặc biệt các em bé học mọi thứ thông qua việc bắt chước, sự lặp lại liên tục…
Do vậy, giai đoạn 0-3 là giai đoạn trẻ định hình, hình thành nhân cách về con người cũng như các kỹ năng của trẻ sau này; đây là giai đoạn có thể coi là nền tảng và gốc của quá trình giáo dục trẻ từ 0-6. Hiểu được tầm quan trọng của phôi thai tinh thần, về sự nhập thể thông qua kích thích các cơ quan vận động, về sự phát triển các giác quan của trẻ ở giai đoạn 0-3, Lemon Montessori Preschool đã xây dựng chương trình học đảm bảo các mặt phát triển của trẻ:
- Vận động
Vận động là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của sự phát triển trong những năm đầu đời. Thông qua vận động, không những trẻ sẽ phát triển về mặt thể chất mà còn có thể nhận thức và điều khiển được các bộ phận của cơ thể để tự thỏa mãn những nhu cầu và mong muốn của bản thân. Không những vậy, vận động có chủ đích còn giúp trẻ kết nối được với chính mình và với môi trường nơi trẻ đang sống.
Nếu như khi chưa biết đi, trẻ chủ yếu học cách kiểm soát từng bộ phận cho đến toàn bộ cơ thể (vận động thô) thì sau khi biết đi, đôi tay được giải phóng, trẻ sẽ học cách sử dụng và điều khiển đôi tay một cách khéo léo (vận động tinh). Đôi tay chính là công cụ của não bộ, đôi tay càng chính xác và linh hoạt, trẻ sẽ càng thông minh hơn.
- Nhận thức
Nhận thức là quá trình thu nhận, suy nghĩ, phân tích và sắp xếp kiến thức, đầu tiên trẻ sẽ được học những khái niệm cơ bản nhất của nhận thức thông qua những hoạt động như: phân loại, ghép cặp, hiểu những khái niệm “giống nhau”, “khác nhau”, “chuỗi sự kiện”, “bộ phận”, “tổng thể”… trẻ sẽ được học từ tư duy cụ thể (những đồ vật thật) đến tư duy trừu tượng (những đồ vật trong tranh, ảnh). Trẻ cũng sẽ được làm quen với những dạng hình học, những con số để có thể làm nền tảng cho giai đoạn 3-6 sau này. Dần dần, nhận thức của trẻ cũng được phát triển thông qua cả những lĩnh vực khác. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng hình thành nên tư duy của trẻ sau này.
- Thực hành cuộc sống
“Hãy giúp con để con có thể tự làm!” là một trong những câu nói nổi tiếng của bà Maria Montessori thể hiện nhu cầu bên trong của trẻ. Trong ngôi nhà Montessori, mọi đồ dùng đều được thiết kế phù hợp để trẻ có thể làm được mọi việc với sự giúp đỡ tối thiểu của người lớn. Thông qua những hoạt động thực hành cuộc sống, trẻ có cơ hội được học và tự mình làm những hoạt động chăm sóc bản thân, chăm sóc người khác và chăm sóc môi trường. Qua đó trẻ dần hình thành tình yêu với công việc và mọi thứ xung quanh, trẻ cảm thấy mình được tin tưởng, tôn trọng, độc lập và hạnh phúc hơn.
- Giác quan
Các giác quan là cầu nối để con người có thể tiếp xúc với mọi thứ xung quanh. Da – bộ phận giác quan đầu tiên và quan trọng nhất được phát triển hoàn thiện khi thai nhi khoảng bảy đến tám tuần tuổi. Khứu giác sẵn sàng hoạt động vào tháng thứ hai của thai kỳ. Vị giác hoạt động vào tháng thứ ba và đôi tai hoàn thiện sự phát triển về mặt cấu trúc trong khoảng từ tháng thứ hai đến tháng thứ năm. Ngay khi còn ở trong bụng mẹ, bé đã có thể dùng giác quan của mình để cảm nhận mọi thứ xung quanh. Trong những năm đầu đời, bé sẽ tiếp tục quá trình hoàn thiện các giác quan để các giác quan trở nên tinh tế nhất. Trong ngôi nhà Montessori, không những bé được rèn luyện để từng giác quan riêng rẽ trở nên nhạy bén mà còn được học ngôn ngữ thông qua việc trải nghiệm bằng tất cả các giác quan. Càng trải nghiệm nhiều, não bộ của bé sẽ càng được rèn luyện và phát triển hơn.
- Ngôn ngữ
Trẻ em hấp thụ mọi ngôn ngữ của gia đình và cộng đồng ngay từ lúc còn trong bụng mẹ, quá trình này tiếp tục trong suốt những năm về sau, đặc biệt là ba năm đầu đời của trẻ. Ở độ tuổi này, trẻ em có thể thẩm thấu tất cả sự phức tạp trong không chỉ một mà có thể nhiều ngôn ngữ. Trong giai đoạn này, người lớn chính là học cụ ngôn ngữ quan trọng nhất trong môi trường. Chúng ta có thể trợ giúp sự phát triển ngôn ngữ của trẻ bằng việc lắng nghe, giao tiếp bằng mắt, đọc sách, kể chuyện… mang lại một môi trường vui vẻ, có nhiều trải nghiệm về giác quan và ngôn ngữ để trẻ không những có thể sử dụng mà còn cảm nhận được ngôn ngữ đó.
- Xã hội
Ba năm đầu tiên cũng là khoảng thời gian phát triển xã hội, khi trẻ nhận thức bản thân và phát triển cảm xúc, tính cách và mối quan hệ với những người xung quanh. Mỗi lớp học Montessori là một xã hội thu nhỏ với những em bé ở các độ tuổi khác nhau. Chính vì vậy các em có cơ hội được học hỏi, thực hành và phát triển các kỹ năng xã hội. Trẻ được học cách nhận biết, gọi tên và thể hiện cảm xúc; cách phản ứng lại với những cảm xúc hay trải nghiệm; cách biểu đạt cảm xúc và ứng xử với người khác trong môi trường. Tất cả những điều này sẽ góp phần không nhỏ trong việc định hình nhân cách của trẻ khi trưởng thành.
BUỔI CHIỀU: Các hoạt động ngoại khóa phong phú, hấp dẫn:
- Mỗi ngày, các con đều có 45p giao tiếp tiếng Anh với Giáo viên nước ngoài.
- Ngoài ra còn có các hoạt động hấp dẫn khác, xuyên suốt cả tuần: Tìm hiểu về môi trường xung quanh, Cooking, Dance, hoạt động phát triển thể chất, hoạt động phát triển ngôn ngữ, Kỹ năng sống, Lịch thiệp nhã nhặn....