Chương trình lớp 3-6 tuổi

Tại Lemon Montessori Class, chương trình học của các bạn độ tuổi 2,5-6 được tổ chức theo đúng chương trình Montessori nguyên bản, cùng với đó là chương trình Song ngữ toàn phần, giáo viên nước ngoài sinh hoạt với các con xuyên suốt thời gian mỗi ngày. Sĩ số ít (15 bạn/03 cô) tạo điều kiện thuận lợi để các cô theo sát, hỗ trợ học tập để các con được phát huy bản thân mình tốt nhất.

BUỔI SÁNG: Chu trình 03 giờ hoạt động Montessori theo tiêu chuẩn Montessori quốc tế.

Chương trình học của phương pháp Montessori có một khối lượng kiến thức khổng lồ nhưng lại dễ dàng một cách ngạc nhiên vì được xây dựng phù hợp với trẻ.

“Trẻ độ tuổi 0-6 sở hữu một dạng trí tuệ đặc biệt – “Trí Tuệ Thẩm Thấu”. Năng lực trí tuệ vô tận đó giúp trẻ học ngôn ngữ, hoàn thiện khả năng vận động, xây dựng hệ thống trật tự nội tại. Maria Montessori qua quan sát nhận ra rằng trẻ cũng trải qua Các Giai Đoạn Nhạy Cảm trong quá trình phát triển của mình. Đó là những giai đoạn trẻ bị thu hút một cách đặc biệt đến những trải nghiệm có trong môi trường để hấp thụ kiến thức hay những kỹ năng cụ thể nào đó. Nhưng giai đoạn đó xảy ra với tất cả các em bé trên thế giới trong khoảng độ tuổi tương ứng và giúp các em dành thời gian để phát triển tối đa một kỹ năng hay hấp thụ kiến thức cụ thể. Trẻ ở độ tuổi 3-6 trải qua quá trình tự xây dựng chính mình. Việc áp dụng các triết lý Montessori và các đồ dùng được thiết kế đặc biệt hỗ trợ khả năng hấp thụ kiến thức và bước tiếp trên con đường tự xây dựng chính cái tôi của mình. Chương trình học 2.5-6  gồm 4 lĩnh vực chính: Thực hành cuộc sống, Giác quan, Ngôn ngữ và Toán học. Các hoạt động Mỹ Thuật, Âm nhạc, Khoa học, Địa lý, và Nghiên cứu Văn hóa cũng quan trọng không kém. Việc hấp thụ văn hóa là động lực phát triển chính trong giai đoạn phát triển đầu tiên.”

(Theo Hiệp hội Montessori quốc tế – Association Montessori Internationale)

Thực hành cuộc sống

Các bài học thực hành cuộc sống là bước chuyển tiếp từ môi trường gia đình sang trường học sống giữa một tập thể và thực sự là những bài học giúp các em bé trở nên độc lập biết chăm sóc mình, chăm sóc mọi người và chăm sóc môi trường. Ví dụ: Một em bé học được kỹ năng rót sẽ tự rót nước cho mình khi khát, biết rót nước mời khi có khách đến nhà, biết rót nước vào lọ để cắm hoa, biết rót nước bày bàn ăn, biết rót nước khi làm các thí nghiệm khoa học, biết rót sữa khi làm bánh, lấy canh không sánh ra ngoài…

Những hoạt động thực hành cuộc sống trợ giúp các em hoàn thiện kỹ năng vận động, tập luyện để có được tính chính xác, nâng cao khả năng tập trung, xây dựng và nuôi dưỡng cái tôi độc lập của mình. Sau khi có cái “tôi”, trẻ mới sẵn sàng tham gia vào cái “chúng ta” khi lớn hơn và tự tin về cái tôi của mình hơn.

 Giác quan

Giác quan là những công cụ của trí thông minh. Đồ dùng học tập giác quan của Montessori cụ thể hóa mọi khái niệm trừu tượng giúp trẻ tiếp nhận thông tin một cách đơn giản và rõ ràng nhất.

Điều đặc biệt ở Montessori là các bài học về giác quan luôn tách rời từng giác quan một để rèn luyện giác quan đó một cách tốt nhất. Các bài học luôn kèm theo đồ dùng học tập cụ thể giúp các em bé nắm được một cách rõ ràng các khái niệm trừu tượng như nhiệt độ, màu sắc, kích cỡ, vị, mùi, cao độ, trọng lượng…

Các bài học giác quan luôn bắt đầu bằng trải nghiệm rồi mới đến ngôn ngữ vì Maria Montessori hiểu trẻ học tốt nhất qua trải nghiệm.

Các bài học giác quan là một quá trình bắt đầu từ cụ thể, sau đó mở rộng trong một khoảng từ nhiều nhất đến ít nhất, lớn nhất đến nhỏ nhất.. và luôn kết thúc bằng trò chơi vì bà hiểu các em bé có nhu cầu được chơi với các bạn. Kiến thức và ngôn ngữ được mang ra sử dụng trong trò chơi là cách tốt nhất giúp các em bé lưu giữ những khái niệm trừu tượng đó. Ví dụ các em học màu đỏ, sau đó đến các sắc đỏ khác nhau từ nhạt nhất dần dần đến đậm nhất. Bước cuối cùng các em bé sẽ ứng dụng kiến thức học được bằng cách chơi trò chơi với các bạn đi tìm tất cả các đồ có sắc đỏ trong môi trường trong nhà và ngoài vườn.

Các bài học giác quan giúp các em tư duy, sắp xếp thông tin trong não bộ một cách logic cụ thể như một cô thủ thư để khi cần các em biết chính xác thông tin đó nên để ở đâu và khi cần thì lấy ra dùng một cách nhanh nhất.

Các bài học giác quan còn giúp các em bé từ nhỏ giữ được những tố chất rất quan trọng đó là biết nhìn ra vẻ đẹp xung quanh mình và biết tận hưởng, thưởng thức nghệ thuật sau này.

 Ngôn ngữ

Trẻ có thể học một hay nhiều ngôn ngữ như nhau khi có môi trường cụ thể là người nói những ngôn ngữ đó.

Ngôn ngữ bắt đầu bằng ngôn ngữ nói. Chỉ cần học, làm việc, sống trong một môi trường mà khi gọi tên tất cả mọi thứ các em cũng đã có một vốn vài nghìn từ. Sau đó đến ngôn ngữ viết. Maria Montessori cho rằng viết những suy nghĩ của mình ra dễ hơn đọc suy nghĩ của người khác. Đọc được không đồng nghĩa với việc hiểu được những điều mình vừa đọc. Rồi đến đọc hiểu là cuối cùng.

Một trong những điều xuyên suốt chương trình học của Montessori là trẻ luôn học qua trải nghiệm, học với đồ dùng thật để thực sự hiểu được kiến thức. Chỉ khi hiểu, con người mới có thể nhớ được những điều vừa học.
Ngôn ngữ nói được giới thiệu một cách cụ thể. Các bài học thính giác trợ giúp các em rèn luyện tai nghe cho các âm trong các ngôn ngữ. Các em luôn được tôn trọng, luôn được lắng nghe, sống trong môi trường trộn độ tuổi đa dạng giúp các em tiếp nhận ngôn ngữ sinh động từ xung quanh, có các tình huống sử dụng ngôn ngữ chủ động, các giờ học hát, đọc thơ, kể chuyện, chơi trò chơi ngôn và thẻ ngôn ngữ giúp các em bé luôn muốn giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ nói hiệu quả.

Ngôn ngữ viết được chuẩn bị gián tiếp từ khi các em mới đi học thông qua các hoạt động thực hành cuộc sống giúp các em học điều khiển các ngón tay, bàn tay, cổ tay. Rồi đến các bài học giác quan giúp các em có thể điều khiển được bàn tay đưa nhẹ nhàng thay vì ấn mạnh giúp các em điều khiển bút không ấn rách giấy. Rồi đến bộ chữ giấy ráp giúp các em có được trí nhớ cơ học giúp việc viết chữ trở nên dễ dàng và thú vị giống như những tác phẩm nghệ thuật. Khi có ngôn ngữ nói, biết tất cả các âm, các em ghép vần và viết những suy nghĩ của mình bằng những chữ cái. Khi dùng các chữ cái để thể hiện được suy nghĩ của mình cũng đồng nghĩa là các em đã biết viết.

Không chỉ dừng ở đó, các em học về các loại từ vựng và phân tích câu qua những trò chơi chỉ dùng ngôn ngữ nói hàng ngày và dần dần đến ngôn ngữ viết khi sẵn sàng.

Toán học

Trí tuệ toán học đã được chuẩn bị từ việc làm mọi thứ một cách chính xác từng bước một. Gọi tên chính xác mọi đồ vật, khái niệm, hình ảnh, cảm xúc… đến việc luôn luôn hoàn thành công việc để đi đến kết quả cuối cùng ngay từ khi em bé 2.5 tuổi. Khi học các bài học giác quan các em bé đã được chuẩn bị gián tiếp cho hình học, lượng giác, dãy số, hệ thập phân…rồi đến việc phân biệt giống và khác nhau.

Toán học là ngôn ngữ quốc tế và Maria Montessori đã biến toán học cùng những khái niệm toán học trở nên thú vị như những trò chơi.

Tất cả mọi khái niệm trừu tượng đều được cụ thể hóa thông qua các đồ dùng học tập để các em thực hành và khám phá. Tất cả mọi lĩnh vực của toán học như hình học, đại số, lượng giác đều được đưa vào chương trình học 3-6 một cách thông minh và giúp các em học toán một cách thích thú.

 Văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, địa lý, âm nhạc

Nhiệm vụ quan trọng của trẻ trong giai đoạn 3-6 là xây dựng tính cách và là một phần của nền văn hóa nơi các em sinh ra và lớn lên. Vì thế cả thế giới thu nhỏ được đưa vào trong chương trình học.

Các em sẽ khám phá thế giới sinh học, lịch sử, địa lý, mỹ thuật, âm nhạc, khoa học, văn hóa thế giới để trân trọng cả thế giới xung quanh mình.

Các em sẽ học và thực hành để trở thành những công dân có văn hóa.


BUỔI CHIỀU: Giờ học ngoại khóa phong phú, hấp dẫn

*Chiều thứ 2 hàng tuần sẽ có buổi Show &  Tell: Đây là hoạt động giúp con tự tin trước đám đông,hùng biện về một chủ đề nhất định. Cải thiện khả năng tự tin và diễn đạt của các con. Từ cuối tuần, các cô sẽ thông báo chủ đề của buổi này. Phụ huynh cùng con sẽ chọn 1 món đồ liên quan đến chủ đề để trẻ hùng biện trước lớp. (có thể chia sẻ 1 kỷ niệm liên quan đến đồ vật, chia sẻ cảm xúc về đồ vật, miêu tả đồ vật….). Lưu ý: phụ huynh không nên cho con mang những đồ vật có có kích thước quá to, giá trị cao, dễ vỡ, bạo lực, nguy hiểm… . Phụ huynh cũng có thể đồng hành, gợi ý cho con cách hùng biện từ ở nhà để con tự tin hơn. Phụ huynh không chê bai, dán nhãn trẻ, động viên từng tiến bộ nhỏ của con, các con cần thời gian để làm quen và tiến bộ.

*Chiều thứ 3 hàng tuần sẽ có 2 hoạt động:

- Tiết tiếng Anh với giáo viên nước ngoài (tiết hỗ trợ về từ vựng và ngữ pháp, vì cả ngày cô đã sinh hoạt và giao tiếp với các con).

- Giờ học Dance: các con sẽ có cơ hội cảm thụ âm nhạc, chuyển động cơ thể, giải phóng năng lượng, và giữ nhịp phách.

* Chiều thứ 4: Là ngày học linh động với các lựa chọn:

- Các hoạt động phát triển thẩm mỹ, nghệ thuật: tạo hình từ vật liệu mở, sáng tạo từ lá cây, âm nhạc, đọc thơ, kể chuyện…

- Khám phá khoa học: với các thí nghiệm khoa học, các hiện tượng thiên nhiên…

- Kỹ năng sống, lịch sự nhã nhặn….

* Chiều thứ 5 hàng tuần sẽ có giờ Cooking. Các con sẽ cùng cô tạo ra những món ăn, những món bánh hấp dẫn. Các con làm quen với hoạt động bếp núc, tự phục vụ bản thân,

* Sáng thứ 6 hàng tuần có hoạt động bơi. Sau hoạt động này sẽ có một chương trình “chia sẻ đồ ăn mẹ làm”. Các con sẽ cùng giới thiệu, bày biện và thưởng thức những món ăn nhẹ do mẹ và con cùng chuẩn bị (có thể là 1 loại trái cây mẹ và con cùng gọt, xếp hộp; sữa chua và con cùng làm; hoặc 1 loại bánh nào đó mẹ và con cùng làm, 1 loại nước uống mà mẹ và con cùng pha…)

*Chiều thứ 6 hàng tuần sẽ có 2 hoạt động:

- Tiết tiếng Anh với giáo viên nước ngoài (tiết hỗ trợ về từ vựng và ngữ pháp, vì cả ngày cô đã sinh hoạt và giao tiếp với các con).

- Giờ học Dance: các con sẽ có cơ hội cảm thụ âm nhạc, chuyển động cơ thể, giải phóng năng lượng, và giữ nhịp phách.