Maria Montessori (1870-1952) mang trong mình sự tiến bộ vào thời đại bà sống. Những đúc kết của bà trong nhiều lĩnh vực đã giúp bà có được cái nhìn toàn diện và nhân văn về giáo dục con người. Đó là những lĩnh vực về:
Kỹ thuật
- Montessori đã vượt qua định kiến “nữ công gia chánh” và theo đuổi đam mê về kỹ thuật.
- Sau một thời gian học tập, bà đã đạt tấm bằng Đại học đầu tiên với chuyên ngành Kỹ thuật.
- Tư duy về kỹ thuật của bà sau đó là cơ sở để bà thiết kế những học cụ cho chương trình giáo dục sớm của mình sau này.
Y học
- Năm 1896, bà tốt nghiệp ngành Y khoa của Đại học Roma.
- Sau khi tốt nghiệp Y khoa, bà làm việc tại một phòng khám chuyên về tâm thần của Đại học Rome mang tên University of Rome Psychiatric – nơi này đã khiến bà rất thích thú vì tại đây bà đã được giúp đỡ những trẻ em chậm phát triển về mặt tinh thần. Và chính từ đây, mong muốn làm sao để giúp trẻ phát triển và hòa nhập với xã hội của bà Maria bắt đầu.
Sư phạm
- Năm 1899, bà bắt đầu nghiên cứu về các vấn đề giáo dục trẻ theo phương pháp của 2 bác sĩ nổi tiếng người Pháp là Jean Marc Gaspard Itard (1774 – 1838) và học trò của ông – Édouard Séguin (1812 –1880). Trong quá trình tìm tòi, làm việc của mình, bác sĩ Montessori đã tiếp nhận những thành quả nghiên cứu phát triển bộ giáo cụ kích thích giác quan cho trẻ chậm phát triển tinh thần của Séguin vào trong công việc để sáng tạo ra giáo cụ trực quan cho phương pháp Montessori sau này.
- Năm 1901, những trẻ chậm phát triển tinh thần mà bác sĩ Montessori làm việc cùng đã qua được kỳ thi giáo dục của bang dành cho trẻ em bình thường.
- Sau kết quả vang dội đó, Montessori chuyển sang nghiên cứu về sự phát triển trên những trẻ bình thường, để khám phá xem con người có thể đạt được khả năng phát triển toàn diện hơn nữa hay không.
Triết học
- Để tìm hiểu thêm về chức năng của tâm trí trẻ thơ, bác sĩ Montessori bắt đầu trau dồi thêm các môn tâm lý và triết học vào năm 1901.
- Ba năm sau (1904), bà trở thành giáo sư môn Nhân chủng học tại đại học Roma.
Nền tảng phát triển phương pháp Montessori
- Năm 1907, bà đã từ bỏ cả chức vụ giáo sư đại học lẫn nghề nghiệp y khoa để dành toàn thời gian trông nom vài chục trẻ trong một khu lao động nghèo khó nhất của thủ đô Roma.
- Bà xây nên “Ngôi nhà trẻ thơ” (tên tiếng Ý là Casa Dei Bambini) và bắt đầu những chương trình học cho trẻ của riêng mình. Tại đây, bà đã tự thiết kế và trang bị cho lớp học của mình những đồ đạc đặc biệt với kích cỡ nhỏ, phù hợp với trẻ em. Tiếp theo đó là rất nhiều loại giáo cụ giác quan khác nhau và còn rất nhiều loại học cụ khác.
- Năm 1909, Montessori đã tổ chức khóa đào tạo đầu tiên về phương pháp của mình.
- Năm 1922, bà được bổ nhiệm làm thanh tra các trường học của Ý. Bắt đầu từ thời gian này, bà viết sách về phương pháp giáo dục mà bà đã khai triển, đồng thời thực hiện nhiều khóa huấn luyện cho các giáo viên ở Tây Ban Nha, Ấn Độ, Anh, Hà Lan, Mỹ…
- Bằng việc thử nghiệm những cách tiếp cận, giáo cụ mới, và ghi chép lại những phản ứng của trẻ, 50 năm sau đó bác sĩ Montessori đã phát triển một hệ thống giáo cụ giáo dục có mục đích. Những giáo cụ này đã được kiểm chứng thực nghiệm cho tới lúc bà tin rằng, bà đã tìm thấy những giáo cụ tối ưu để giảng dạy những khái niệm. Bà cũng kiểm tra giáo cụ thông qua các độ tuổi từ 0 cho đến trung học, và thường xuyên thấy giáo cụ đó cuốn hút trẻ nhỏ tuổi hơn so với nhóm tuổi bà đã thiết kế cho.
- Năm 1936, Montessori rời nước Ý để đến sống tại Anh, và sau đó là Hà Lan do tình hình biến động của thế giới. Tại đây, bà đã cho thử nghiệm chương trình giáo dục thực tế bao gồm các lĩnh vực chính như: Toán, âm nhạc, nghệ thuật, ngôn ngữ, khoa học, lịch sử… dành cho trẻ độ tuổi từ 3 – 12… Hệ thống này được phát triển thông qua thử nghiệm và kiểm soát lỗi trong suốt cuộc đời bà khi làm việc với trẻ em ở nhiều nơi như: Rome, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hà Lan và Mỹ.